Lượt xem: 1424

Chuyển biến mới của huyện Trần Đề trong thực hiện Nghị Quyết 05 về phát triển du lịch của Tỉnh ủy

Nhắc đến huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, nhiều du khách trong và ngoài khu vực đồng bằng sông Cửu Long không còn xa lạ nữa, bởi nơi đây đã trở thành điểm nhấn đón khách du lịch đi thăm Côn Đảo chỉ với khoảng cách 85 km, mất khoảng 02 giờ 30 phút.

    Huyện Trần Đề có diện tích tự nhiên là 37.797,81 ha, dân số 134.226 người, gồm 03 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa; có vị trí thuận lợi cho xây dựng cảng biển và các khu công nghiệp, tạo lợi thế phát triển kinh tế ở cả 3 khu vực (nông - lâm - ngư nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ - thương mại). Huyện cũng có rất nhiều tiềm năng và lợi thế về phát triển du lịch sinh thái biển gắn với hệ thống bãi bồi và rừng ngập mặn ven biển, có những hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc, đời sống tâm linh tín ngưỡng phong phú của đồng bào 03 dân tộc. Đặc biệt năm 2019, Lễ hội Nghinh Ông của người Kinh và Nghệ thuật sân khấu Rô băm của người Khmer được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.


Bến tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo.

    Đặc biệt, từ khi Nghị quyết 05/NQ-TU ngày 02-8-2016 của Tỉnh ủy Sóc Trăng về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, các dự án du lịch của huyện đã được nhiều nhà đầu tư quan tâm, nổi bật nhất là tuyến tàu cao tốc từ Trần Đề đi Côn Đảo do Công ty cổ phần Tàu cao tốc SuperDong – Kiên Giang đầu tư và đi vào hoạt động từ tháng 7-2017 và đến tháng 7-2019, Công ty cổ phần Tàu cao tốc Phú Quốc (Phú Quốc Express) cũng đưa vào vận hành khai thác tuyến đường biển này phục vụ khách du lịch. Điều này đã góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại, dịch vụ của huyện nói riêng và tỉnh Sóc Trăng nói chung ngày càng phát triển.

    Từ tác động của tuyến tàu cao tốc đi Côn Đảo, các cơ sở lưu trú trong huyện ngày càng tăng. Từ điểm xuất phát không có khách sạn, rất ít nhà nghỉ, hiện nay, huyện có 1 khách sạn, 17 nhà nghỉ, 31 nhà trọ và 35 quán ăn tập trung tại 2 thị trấn Trần Đề và Lịch Hội Thượng. Bên cạnh đó, hệ thống đường giao thông tại các điểm du lịch từng bước được xây dựng hoàn chỉnh, đáp ứng tương đối nhu cầu phục vụ khách tham quan, du lịch. Để khai thác tốt hơn tiềm năng và lợi thế của ngành Du lịch, huyện Trần Đề đang triển khai một số chính sách, ưu đãi hấp dẫn nhằm đẩy mạnh kêu gọi các nhà đầu tư đến để đầu tư các dự án du lịch của huyện. Nổi bật là Dự án khu du lịch sinh thái biển Mỏ Ó với diện tích 230 ha, là một trong các dự án du lịch nằm trong danh mục ưu tiên thu hút đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 theo quyết định của UBND tỉnh Sóc Trăng.

    Bãi biển Mỏ Ó thuộc xã Trung Bình, có chiều dài khoảng 5 km, là một trong những bãi biển đẹp của tỉnh Sóc Trăng, nằm sát biển Đông và cửa biển Mỹ Thanh, lại gần kề với tuyến Quốc lộ Nam sông Hậu nên có vị trí địa lý thuận lợi cả về giao thông đường thủy và đường bộ. Bãi biển được che chắn bởi rừng bần ngập mặn, mang vẻ đẹp hoang sơ, có không gian thoáng đãng, môi trường trong lành và một hệ thống các loài thủy, hải sản vô cùng phong phú và đa dạng về mặt sinh học như: Các loại còng gió, cá bống sao, cá thòi lòi, cua biển, nghêu, các loại ốc, các loài cá nước lợ,… để khai thác phục vụ khách du lịch những món ăn mang hương vị của rừng ngập mặn. Để tạo điều kiện cho khách tham quan, huyện đã làm tuyến đường dẫn nối liền bãi Mỏ Ó với Quốc lộ Nam sông Hậu gồm đường bê tông cốt thép và đoạn đường cát, với chiều dài 777,7m; cầu dẫn với chiều dài 206 m để phục vụ nhu cầu khách tham quan, hệ thống quán ăn tại bãi biển Mỏ Ó và lân cận cũng được đầu tư phục vụ du khách đến tham quan, nghỉ ngơi và ăn uống, thưởng thức đặc sản vùng biển.


Đạp mong ở bãi biển Mỏ Ó - Trần Đề.

    Tuy nhiên, việc đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ cho công tác du lịch trong thời gian qua vẫn chưa đáp ứng tốt nhu cầu của du khách. Các khu vui chơi giải trí còn thiếu, chưa có những hoạt động hấp dẫn về đêm. Tốc độ tăng trưởng doanh thu du lịch của huyện còn thấp, mặc dù huyện có bến tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo mỗi ngày có từ 3 đến 4 chuyến khứ hồi với trên 1.000 khách, cao điểm có ngày lên đến gần 2.000 khách đi và về. Công tác quảng bá xúc tiến du lịch của huyện còn hạn chế, nguồn nhân lực phục vụ còn thiếu chuyên nghiệp. Huyện có khá nhiều sản phẩm, đặc sản của địa phương có tiềm năng phát triển theo chuẩn OCOP, nhưng các cơ sở chưa có điều kiện mở rộng đầu tư xây dựng thương hiệu OCOP, từ đó hàng hóa thiếu sức hấp dẫn và cạnh tranh.

    Trong thời gian tới, huyện Trần Đề cần đẩy mạnh công tác kêu gọi các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đầu tư vào khu du lịch sinh thái Mỏ Ó để nơi đây trở thành điểm du lịch sinh thái đặc biệt của tỉnh; đồng thời, tổ chức chương trình giới thiệu văn hóa, văn nghệ các dân tộc Kinh, Khmer và Hoa, liên kết trùng tu các cơ sở thờ tự để kết hợp với phát triển du lịch tâm linh.

    Phát huy tốt tiềm năng thế mạnh của mình, khắc phục được một số hạn chế nêu trên, đồng thời tiếp tục bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội, cải thiện môi trường đầu tư, gắn với tạo việc làm cho người dân địa phương. Tin rằng, huyện miền biển Trần Đề sẽ tăng tốc nhanh hơn trong phát triển kinh tế - xã hội - du lịch, xây dựng nếp sống ngày càng văn minh, hiện đại.

Lý Thị Phương



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 65
  • Hôm nay: 3553
  • Trong tuần: 72,886
  • Tất cả: 11,866,913